Tổng quan về bộ khuếch đại

Có nhiều cách khác nhau để phân loại một mạch khuếch đại. Chẳng hạn có thể phân loại theo chế độ hoạt động, phân loại theo kiểu nối giữa các tầng, phân loại theo dãi tần số, mức tín hiệu…

1.Phân loại theo chế độ hoạt động

  • Chế độ A (hạng A). Trong chế độ này, transistor hoạt động trong vùng tác động. Trong chế độ A, các nhà thiết kế chọn điểm Q ở giữa đường tải. Theo cách này tín hiệu có thể có biên độ tối đa mà không bị méo do transistor bão hoà hoặc ngưng dẫn.
  • Chế độ B (hạng B). Trong chế độ này, transistor được phân cực sao cho điểm Q nằm ở biên giới vùng tác động và vùng ngưng dẫn. Transistor chỉ dẫn ở nửa chu kỳ dương của nguồn ac. Điều này làm giảm nhiệt hao phí trên transistor công suất.
  • Chế độ C (hạng C). Trong chế độ này, transistor được phân cực sao cho điểm Q nằm sâu trong vùng ngưng dẫn. Transistor chỉ dẫn ở một phần của nửa chu kỳ dương của nguồn ac. Kết quả là tại collector chúng ta chỉ nhận được một xung ngắn.

2.Phân loại theo kiểu nối tầng

Hình 6-1a là sơ đồ nối tầng bằng tụ. Tụ nối truyền tín hiệu đã được khuếch đại đến tầng tiếp theo. Hình 6-1b là sơ đồ nối tầng bằng biến thế. Thế ac được ghép qua biến thế và truyền đến tầng tiếp theo. Trong hai cách nối trên đây, thành phần dc được cách ly hoàn toàn giữa các tầng khuếch đại. Hình 6-1c là sơ đồ nối tầng trực tiếp. Trong đó collector của transitor thứ nhất được nối trực tiếp đến base của transistor thứ hai. Trong cách nối trực tiếp, cả thành phần ac lẫn thành phần dc đều được nối. Tín hiệu dc được ghép từ tầng thứ nhất sang tầng thứ hai mà không bị mất mát. Khuếch đại ghép trực tiếp còn gọi là khuếch đại dc.

3.Phân loại theo miền tần số

Một cách khác để phân loại mạch khuếch đại là dùng tần số. Ví dụ, khuếch đại âm tần (audio amplifier) chỉ các mạch khuếch đại trong vùng tần số từ 20Hz đến 20KHz. Khuếch đại cao tần (Radio Frequency) để chỉ các bộ khuếch đại có tần số trên 20KHz. Chẳng hạn khuếch đại RF trong các radio AM khuếch đại các tín hiệu từ 535KHz đến 1605KHz. Khuếch đại RF trong các radio FM khuếch đại các tín hiệu từ 88MHz đến 108MHz.
Theo tần số người ta cũng phân loại khuếch đại band hẹp và khuếch đại band rộng. Khuếch đại band hẹp chỉ khuếch đại tín hiệu trong một vùng tần số, chẳng hạn từ 450 KHz đến 460KHz. Khuếch đại band rộng khuếch đại tín hiệu trong một vùng tần số rộng chẳng hạn từ 0 đến 1MHz. Khuếch đại band hẹp còn gọi là khuếch đại RF cộng hưởng. Tải của mạch khuếch đại là mạch cộng hưởng LC. Nó thường dùng trong các mạch chọn kênh trong radio hoặc TV.

4.Phân loại theo tín hiệu

Chúng ta đã xem xét hoạt động của transistor ở chế độ tín hiệu bé. Trong đó dòng collector khi có tín hiệu ac chỉ bằng 1/10 biên độ dòng collector tĩnh. Trong chế độ tín hiệu lớn, biên độ đỉnh – đỉnh của tín hiệu có thể chiếm hết biên độ đường tải. Trong các hệ thống xử lý âm thanh, tín hiệu bé từ đầu CD được dùng như tín hiệu vào của bộ tiền khuếch đại. Tiền khuếch đại là mạch khuếch đại tín hiệu bé. Ở đây, tín hiệu được khuếch đại lên biên độ thích hợp cho tầng điều chỉnh âm sắc hoặc điều chỉnh âm lượng. Sau đó tín hiệu được đưa vào tầng khuếch đại công suất. Khuếch đại công suất là mạch khuếch đại tín hiệu lớn. Nó tạo ra một công suất từ vài mW đến hàng trăm W để đưa ra loa.